Tìm việc tại Nhật. Bài viết nằm trong chuyên mục : Làm việc trong công ty Nhật. Bài này xin được chia sẻ những kinh nghiệm của ad về việc tìm việc tại Nhật. Điều kiện để có thể tiến hành hoạt động xin việc tại Nhật, những chuẩn bị cần thiết và chia sẻ kinh nghiệm phóng vấn xin việc của Ad.
Người Nhật gọi việc tìm việc làm là: 就職活動(しゅうしょくかつどう)- hoạt động tìm việc làm. Sang Nhật mới thấy quá trình xin việc của Nhật diễn ra rất sớm và qua nhiều bước hơn Việt Nam khá nhiều. Cũng có nhiều đặc thù nữa. Ví dụ như bạn có thể tìm được việc làm trước cả 1 năm với thời điểm bạn sẽ tốt nghiệp.

Cùng vào bài nhé!
1. Điều kiện để có thể tìm được việc tại Nhật
Nếu người Việt xin việc tại Việt Nam thì chỉ cần trên 18 tuổi là được. Tất nhiên là phải được sự đồng ý của công ty tuyển dụng. Nhưng khi sống tại nước ngoài, kể cả bạn được công ty chấp nhận, nhưng vẫn phải qua 1 cửa ải nữa là phải nhận được Visa- tư cách lưu trú tại sở nhập quốc, vì là người nước ngoài. Vì vậy ngoài đáp ứng yêu cầu của công ty thì cần phải đáp ứng nhu cầu của sở Nhập quốc nữa bạn mới có thể trở thành nhân viên của công ty đó.
Vậy điều kiện của sở nhập quốc là gì?
Họ chỉ ghi 1 điều cơ bản: bạn phải có kỹ năng, chứng chỉ kỹ năng phù hợp với như cầu, nghành nghề của công ty tuyển dụng.
Nói 1 cách cụ thể thì cần phải có bằng cao đẳng, đại học ở Việt Nam hoặc ở Nhật.
Và bằng cấp đó có liên quan tới công việc ứng tuyển. Không cần phải phù hợp 100%, mà đơn giản là nếu bạn học về kỹ thuật thì bạn có thể làm về kỹ thuật. Ví dụ như mình học về điện, giờ đang làm về IT.
Với những bạn sang Nhật du học, mặc dù bạn đang học tại trường Nhật ngữ. Nhưng nếu đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng ở Việt Nam thì bạn đã đủ điều kiện để đi tìm một công việc cho mình tại Nhật. Còn những bạn mới tốt nghiệp cấp 3 thì bắt buộc phải học lên Senmon(cao đẳng) hoặc đại học ở Nhật xong mới có thể tiến hành tìm việc được. Hồi mới sang Nhật mình cũng không rõ điều này.
Như vậy nếu bạn đã đủ điều kiện để tìm việc tại Nhật,thì những chuẩn bị dưới đây là rất cần thiết cho quá trình tìm việc.
2. Những chuẩn bị cần thiết cho hoạt động tìm việc tại Nhật
Để cho hoạt động tìm việc tại Nhật được thuận lợi bạn cần trang bị một số kiến thức và chuẩn bị dưới đây.
2.1 Hiểu biết thời gian tuyển dụng của các công ty Nhật
Vấn đề đầu tiên không phải là tiền đâu, mà là khi nào? Khi nào thì nên bắt đầu hoạt động xin việc? Tìm việc giống như việc đi chợ vậy, cho dù bạn có nhiều tiền đến mấy những bạn ra chợ khi chợ đã tan thì sẽ còn nhiều cơ hội để mua các sản phẩm ưng ý.
Hoạt động tuyển dụng của các công ty Nhật thường bắt đầu từ tháng 2 cho tới hết tháng 9.
Ở Nhật năm học mới thường khai giảng vào tháng 4. Các công ty cũng sẽ đón nhân viên mới vào làm việc từ tháng 4. Hoạt động tuyển dụng của các công ty thường bắt đầu từ tháng 2 cho tới hết tháng 9. Như vậy là có khoảng 8 tháng để 2 bên tìm hiểu và đi tới yêu thương.
Ở trên là mình nói tới các công ty tầm trung và lớn. Và nói cho đối tượng là sinh viên, học sinh mới tốt nghiệp. Tức là những người chưa từng đi làm ở công ty nào cả. Những người này cần phải đào tạo thì mới dùng được. Nên họ gom vào 1 kỳ để training. Còn những bạn chuyển việc thì có thể ứng tuyển và được nhận bất kỳ thời điểm nào. Thêm nữa các công ty nhỏ hơn, họ chỉ tuyển ít người thì có thể tuyển quanh năm. Không ai giới hạn thời gian cả.
Lễ 内定式(ないていしき)
Vào ngày thứ 2 tuần đầu tiên của tháng 10. Các công ty sẽ tổ chức 1 buổi lễ đó là 内定式(ないていしき)- lễ chào đón nhân viên mới. Cho các nhân viên mới có dịp tìm hiểu nhau và gặp mặt những lãnh đạo trong công ty. Như vậy đa phần sinh viên ở Nhật sẽ được nhận vào công ty trước ít nhất là nửa năm.
2.2 Hiểu quy trình tuyển dụng của công ty Nhật
Các công ty Nhật thường phỏng vấn nhân viên 3 vòng như sau:
Vòng 1- vòng giới thiệu công ty và làm test
Các công ty sẽ thông qua các công ty tuyển dụng để mở các buổi 会社説明会- giới thiệu công ty. Các ứng viên quan tâm sẽ đăng ký tham gia các buổi này, sau đó thường làm test luôn để đỡ mất thời gian. Các ứng viên sẽ mang 履歴書- lý lich làm việc để công ty xem xét.
Việc giới thiệu công ty là 1 văn hóa hay, giới thiệu ngành nghề, công việc cụ thể, doanh thu, số lượng nhân viên, slogan của công ty… để cho ứng viên biết mình có hợp hay không? Trong các buổi giới thiệu công ty này, công ty họ sẽ gọi thêm các nhân viên của công ty tới để các ứng viên có thể hỏi những vấn đề của công ty. Ad hay được gọi tham gia với tư cách là senpai Việt Nam, nhiều bạn hỏi về không khí làm việc trong bộ phận, nhiều bạn hỏi là học hỏi được gì khi làm việc trong công ty. Thấy đây là một nét văn hóa hay.
Vòng này thường kết hợp với làm test cùng với là phỏng vấn với bộ phận nhân sự. Bộ phận nhân sự đánh giá ứng viên. Nếu okie thì sẽ vào vòng 2. Vòng này đánh giá ứng viên qua sơ yếu lí lịch và và làm bài test, kết hợp với phỏng vấn cơ bản thôi.
Trải nghiệm của ad trong phần phỏng vấn này
Đối vơi công ty Ad thì làm test có cả kiểm tra tiếng Nhật vì là người nước ngoài. Tiếp theo là kiểm tra logic và kiến thức xã hội. Vì là công ty IT nên họ kiểm tra logic nhiều. Sau đó tới phần phỏng vấn. Họ hỏi khá nhiều, trong đó ad nhớ có một số câu như là: vì sao tới Nhật? Học ở trong nước thì học trường nào? Sang Nhật làm thêm ở đâu? thấy cuộc sống ở Nhật thế nào? tương lai muốn làm công việc thế nào? Thứ 7, chủ Nhật thì hay làm gì? Có tham gia hoạt động nào không?…Nói chung là bị hỏi nhiều. Thêm nữa là người nước ngoài nên hay hỏi bị hỏi là vì sao lại sang Nhật, học tiếng Nhật khó ở đâu…
Vòng 2- phỏng vấn với cấp trưởng phòng
Vòng 1 bên trên nhân sự chỉ đánh giá sơ qua về ứng viên, chưa chuyên sâu vào phỏng vấn chuyên nghành. Tới vòng 2 là phỏng vấn với các trưởng phòng. Các trưởng phòng sẽ hỏi sâu hơn về nghề nghiệp chuyên ngành. Đối với Ad thì ad apply vào công ty IT vì mình không phải là dân IT. Nên các câu hỏi chủ yếu xoay quanh về nội dung công việc trước mình đã làm.
Vòng 3- phỏng vấn với cấp giám đốc
Qua được 2 vòng trên thì sẽ tới vòng cuối cùng này- vòng gặp giám đốc và các vị ngang chức với giám đốc(取締役ーとりしまりやく). Vòng này bị hỏi nhiều câu khó, nói chung là khá run. Nói chung câu khó nhất vẫn là câu sở đoản của mình là gì? Cái này khó trả lời, trả lời không khéo sẽ mất điểm. Ad nhớ vòng này bị hỏi 3 câu đó là: Sở đoản là gì? 5 năm sau thì bạn nghĩ bạn đang làm gì? Tiếng Anh với tiếng Nhật thì cái nào dùng ổn hơn?
Đỗ vòng 3 thì các bạn sẽ được nhận và gian nan sẽ chờ đón sau đó(hehe). Phỏng vấn ở Nhật qua nhiều bước hơn so với ở Việt Nam và cũng tốn thời gian hơn khá nhiều. Mỗi lần phỏng vấn có thể cách nhau tới 2 tuần hoặc 1 tháng tùy vào công ty.
2.3 Tìm hiểu về ビジネスマナー văn hóa công sở
ビジネスマナー văn hóa công cở: được hiểu là tổng hợp những luật lệ, những chuẩn mực hành vi, kể cả ăn mặc, chào hỏi… trong giới công sở Nhật. Đây là khái niệm rộng lớn bao gồm nhiều mục như: trang phục, chào hỏi- đứng- ngồi, trao đổi danh thiếp, rót nước pha trà, trả lời điện thoại, báo cáo- liên lạc- trao đổi…
Biết được càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên lúc tìm việc thì Ad nghĩ chỉ cần 2 mục cơ bản nhất đó là: Trang phục và cách chào hỏi- cách ngồi là đủ rồi.
Nói thêm là vì sao phải hiểu biết những cái này. Có câu nói rất hay của tiến sĩ Alan Phan: Kết quả đã được định trước giờ khai trận. Ý nói là kết quả phụ thuộc vào sự chuẩn bị. Nhập gia thì tùy tục, mình muốn làm việc trong môi trường của họ thì phải hiểu được văn hóa của họ. Càng nhiều càng tốt, càng có lợi thế.
a) Trang phục và diện mạo
Trang phục và diện mạo là tiêu chí đầu tiên và rất quan trọng trong quá trình tuyển dụng. Ăn mặc và chuẩn bị làm sao cho đối phương có thiện cảm từ cái nhìn đầu tiên, thì sẽ rất có lợi cho cuộc phỏng vấn. Có 2-3 đứa có trình độ tương đương, thì tất nhiên người ta sẽ chọn đứa nào dễ nhìn và tính dễ thương. Vì còn phải làm việc với nhau dài dài lắm.
Nên mua vest của Nhật
Nói về trang phục thì chắc chắn là phải vest rồi, cho dù có là gái hay trai. Kinh nghiệm xương máu và cũng là kinh nghiệm 3 năm làm trong công ty Nhật của mình là các bạn nên mua 1 bộ vest tại Nhật. Mua ở aoki hoặc aoyama( khuyến khích mua ở aoyama, rẻ và đẹp hơn). Văn hóa công sở Nhật là mặc vest nên vest có họ đẹp lắm, không giống như chú rể đi xin việc đâu. Vì người Việt mình không có thói quen mặc vest đi làm, có vest thì thường dùng cho ngày cưới. Nên nhìn vest Nhật với vest Việt khác nhau lắm mà giá cả không khác nhau nhiều. Sơ mi và giày dép cũng chọn ở Nhật luôn. Đầu tư bây giờ sau này đi làm lại dùng.
Chú ý về đầu tóc
Diện mạo thì chú ý nhất là cái khoản đầu tóc và tay. Tóc có dài quá tai không? Cạo râu sạch không? Lông mũi có thò ra không? Móng tay có cắt gọn không? Ngươi Nhật cực dị ứng với những ai để móng tay dài, nhất là con trai, vừa không vệ sinh vừa không sạch mắt. Còn lông mũi và râu nữa. Râu ngày nào cũng phải cạo, sát luôn thì mới là chuẩn.
Chi tiết các mục cần phải check trong phần này các bạn có thể tham khảo 1 bài viết của mình tại đây: https://trainghiemnhatban.net/van-hoa-cong-so-%E3%83%93%E3%82%B8%E3%83%8D%E3%82%B9%E3%83%9E%E3%83%8A/
Hồi mình đi xin việc thì mình bị lỗi về ăn mặc vì vẫn mặc vest của Việt Nam mang sang. Còn những khoản khác thì làm tốt vì hồi làm ở quán được nhắc nhở hoài rồi. Nói chung không phải ăn mặc quá đẹp, mà ăn mặc sao cho nhìn sạch và thanh khiết.
Nói thêm là cặp cũng quan trọng, đi phỏng vấn cầm 1 cái cặp chuẩn của dân công sở cũng gây được ấn tượng tốt.
b) Chào hỏi cơ bản
Lúc gặp phóng vấn, luôn phải có mục cúi chào. Người Nhật quan trọng việc chào hỏi. Chào hỏi cũng có vài loại, lưng và đầu thẳng cúi nghiêng 45 độ cho lần gặp đầu tiên. Hoặc 30 độ hoặc 15 độ tùy vai vế và hoàn cảnh. Lúc cúi chào thì cần chú ý phần đầu và phần gáy, phần trên người từ gáy tới hông phải thẳng tắp(tóm lại là từ hông tới đỉnh đầu phải thẳng tắp lúc cúi chào).
Biết cách ăn mặc và chào hỏi chứng tỏ bạn đã hiểu biết phần nào về văn hóa công sở của nhật. Cho biết rằng bạn là người biết Nhập gia tùy tục sẽ dễ đào tạo hơn là những người cứng đầu.
Với các bạn học Senmon hoặc đại học ở Nhật sẽ được trường hướng dẫn nhiều hơn về khoản này. Còn những bạn học trường nhật ngữ sẽ hơi bị thiệt thòi khoản này nên cố gắng tìm hiểu.
3. Tiến hành tìm việc tại Nhật
Biết được thời gian tuyển dụng và một số kiến thức cơ bản về ビジネスマナー thì hãy tiến hành tìm việc tại Nhật nhé. Nói trước là nhiều gian nan vì tìm việc ở ngoại quốc không phải là chuyện dễ. Tuy nhiên nếu tìm được những công ty muốn tìm nhân viên người Việt để mở rộng thị trường sang Việt Nam thì lại là một lợi thế rất lớn.
3.1 Viết sơ yếu lí lịch 履歴書(りれきしょ)
Giống như ở Việt Nam,tìm việc tại Nhật cũng cần phải viết sơ yếu lí lịch, tiếng Nhật gọi là 履歴書(りれきしょ). Tuy nhiên có 1 điều quan trọng các bạn nên nhớ là ở Việt Nam thì phải viết Sơ yếu lí lịch, đơn xin việc và cả CV(quá trình làm việc). Tuy nhiên ở Nhật thì chỉ cần 1 cái 履歴書 là đủ. Các bạn có thể mua tại combini.
Sơ yếu lí lịch thì cần viết tay và viết ngắn gọn càng tốt. Nhớ là phải viết tay nhé, hồi đầu mình cũng không biết nên đánh máy để in ra làm nhiều bản cho tiện. Trong sơ yếu lí lịch có phần ghi động cơ tìm việc các bạn cứ ghi đơn giản và ngắn gọn thôi. Đừng viết dài dòng, như mình mình chỉ viết: muốn làm việc tại nhật để học hỏi cách làm việc người Nhật và sau này muốn làm công việc để kết nối Việt- Nhật.
3. 2 Tìm thông tin tuyển dụng
Tìm kiếm thông tin tuyển dụng ở Nhật thì có nhiều nguồn. Ad xin phép được list ra đây một số nguồn mà ad biết.
a) Thông tin tuyển dụng từ các trường Nhật ngữ, Senmon, đại học mà các bạn học
Với các bạn học Senmon hay đại học ở Nhật thì việc tìm việc ở Nhật sẽ dễ dàng hơn. Vì các trường này sẽ có 1 ban hỗ trợ việc làm. Họ sẽ tìm kiếm thông tin tuyển dụng giúp bạn. Nhất là các trường đại học, họ có thể giúp học sinh chuẩn bị trang phục, dạy các ビジネスマナー cơ bản, giúp sinh viên của mình việc 自己分析(じこぶんせき)- tự phân tích bản thân xem tính cách của mình thì phù hợp với môi trường làm việc như thế nào, và thêm nữa là có thể luyện phỏng vấn.
Ngoài ra các trường đại học sẽ được nhiều đơn vị về trực tiếp phỏng vấn để lấy học sinh. Các công ty cũng rất thích tới trực tiếp các trường để phỏng vấn học sinh. Như vậy không mất phí nhiều. Công ty của mình cũng hay tới các trường đại học để tuyển dụng.
Các trường Nhật ngữ cũng có 1 góc dành cho việc đăng thông tin tuyển dụng, cả việc làm chính thức lẫn baito. Các bạn có thể hỏi trực tiếp để có thể được hỗ trợ thông tin nhiều hơn.
b) Thông tin tuyển dụng từ ハローワーク
Một kênh nữa mà mình đã sử dụng trong quá trình tìm việc tại Nhật của mình đó là qua ハローワーク. Đây là tổ chức của chính phủ để hỗ trợ việc làm cho cả người Nhật và người nước ngoài. Dưới đây là một số link về ハローワーク:Link ハローワーク mình đã từng đi ở 新宿: link
Chỗ này người nước ngoài tới rất nhiều, với những người tới lần đầu sẽ có 1 cuộc phỏng vấn nho nhỏ từ những nhân viên ở đây. Họ sẽ lưu thông tin của ứng viên, đánh giá cơ bản về năng lực và bằng cấp, sau đó hỗ trợ mình tìm các công ty phù hợp. Ad tới đây đăng ký xong, thi thoảng lại được các bác ở đây gọi, hỏi có thông tin công ty này có vè phù hợp, có muốn phỏng vấn không. Ngoài ra ở đây những tập tài liệu, update những thông tin tuyển dụng và có cả máy tính để mình đăng nhập vào hệ thống để tìm việc.
Link của ハローワーク
Kohai của mình có 2 người tìm được việc ở đây. Đây là link của ハローワーク trên toàn quốc: link hello work trên toàn quốc
Ngoài ra có 1 điểm rất hay ở đây đó là ハローワーク thường tổ chức được các jobfair cho các công ty Nhật tuyển dụng nhân viên nước ngoài. Có những jobfair có tới hơn 100 công ty tham gia. Đây là cơ hội cực lớn để người nước ngoài có thể tìm việc cho mình. Ad đã từng đi 1 jobfair như vậy. Kinh nghiệm là cố gắng đi sớm và mang nhiều 履歴書 đi(mặc dù họ ghi chỉ mang tối đa 3-5 tờ nhưng kinh nghiệm là mang nhiều tờ càng tốt và cố gắng đi sớm).
c) Thông tin tìm việc tại Nhật từ các công ty trung gian giới thiệu việc làm
Ở nhật cũng có nhiều công ty giới thiệu việc làm trung gian. Bản thân Ad tìm được việc cũng là nhờ một công ty trung gian như vậy. Trung gian có nhiều loại, có loại mất phí có loại không. Nên hỏi rõ khi tiếp cận, các công ty trung gian đa phần là chỉ lấy phí của các doanh nghiệp còn sẽ free cho các ứng viên. Nghe nói số tiền mà công ty trung gian nhận được khi giới thiệu được 1 người sẽ bằng x3 tháng lương của ứng viên.
Ad được công ty trung gian này giới thiệu cho việc làm: https://www.ryugakusei.com/
Qua kênh bạn bè nên biết được công ty trên có mở được 1 jobfai nho nhỏ, có 3 công ty tới giới thiệu và tuyển dụng. Ad đi lần đó và công ty trung gian này giữ lại 1 bộ hồ sơ. Sau đó họ chủ động gọi liên lạc với ad để giúp ad phỏng vấn công ty Ad đang làm.
Ngoài ra các bạn cũng nên tranh thủ tìm thông tin tuyển dụng chỉ hướng tới người Việt nam mình. Ad biết trung tâm hỗ trợ việc làm Vysa Job. Chuyên hỗ hợ việc làm cho người Việt. Điểm hay của Vysa là họ có thể mở được jobfair chỉ tuyển dụng người Việt thôi. Có những jobfair họ mở với tầm khoảng 50-70 công ty tham gia. Chăc chắn là rất hữu ích cho các bạn, công ty mình cũng từng tham gia ở đây để tuyển các ứng viên người Việt. Link Vysajob
d) Thông tin qua bạn bè
Qua kênh bạn bè cũng là 1 nguồn kênh rất được tin tưởng. Người Nhật mà thấy ai làm việc tốt là hay hỏi có bạn bè không giới thiệu. Tuy nhiên cũng nhiều người lợi dụng cơ hội nay để lấy phí của nhau.
e) Thông tin qua các trang tuyển dụng truyền thống của Nhật
Xin giới thiệu 2 trang tuyển dụng rất lớn của Nhật đó là: マイナビ và リクナビ là 2 trang tuyển dụng phổ biến dành cho sinh viên và người đi làm của Nhật khi tìm việc. Ad không tham gia vào 2 kênh này nên không biết vì thời gian tìm việc tại Nhật của Ad chỉ vỏn vẹn 2 tháng.
Mặc dù là người nước ngoài, vẫn còn hạn chế về ngôn ngữ là nguồn thông tin. Tuy nhiên nếu tìm được thông tin tuyển dụng hướng tới người nước ngoài là 1 lợi thế. Thông tin càng nhiều thì càng có cơ hội tham gia 会社説明会 và càng có cơ hội để phỏng vấn.
3.3 Lưu ý khi tới nghe giới thiệu công ty và một số lưu ý khi phỏng vấn xin việc
Lưu ý khi tới nghe buổi giới thiệu về công ty thì nên tìm hiểu qua về công ty. Và đừng quên chuẩn bị một số câu hỏi liên quan tới công ty, câu hỏi càng hay càng tốt. Không hỏi cũng không sao nhưng hỏi sẽ dễ có khả năng được nâng điểm. Hỏi về công ty cũng là thể hiện sự quan tâm tới công ty mình muốn vào làm việc.
Lưu ý khi trả lời phỏng vấn
Trước khi đi tìm việc tại Nhật có nghe senpai phán 1 câu: Cứ đi phỏng vấn 6-7 công ty thì kiểu gì cũng đỗ. Sau này thì thấy sau vài lần phỏng vấn sẽ có kinh nghiệm trả lời phỏng vấn hơn hẳn.
Trả lời ngắn gọn và vào thẳng câu hỏi
Tuy nhiên trước khi tham gia phỏng vấn được 2 bác chủ quán nhắc nhở 1 điều mà Ad nhớ mãi: Trả ngắn gọn vào đúng câu hỏi thôi, đừng trả lời dài. Ví dụ họ hỏi vì sao lại muốn vào làm công ty Nhật? Chỉ cần trả lời- muốn học cách làm việc của người Nhật. Chứ không phải là: từ hối bé tý e đã xem Doremon, em đã thích nhân vật mèo máy thông minh…rồi lớn lên ba em làm cho công ty Suzuki, bố e hay mang về cho e kẹo của Nhật….e mơ ước được làm trong công ty Nhật bởi vì…Trả lời dài dòng làm mất thời gian của người nghe vừa không đúng trọng tâm.
Không rõ câu hỏi thì nên hỏi lại
Thêm 1 điều nữa là: nếu không hiểu câu hỏi thì hãy hỏi lại, đừng đoán rồi trả lời. Vì là người nước ngoài nên không thể nghe hết 100% câu hỏi là chuyện thường, nên không hiểu hãy mạnh dạn hỏi lại. Nếu không biết mà vẫn đoán mò mà trả lời thì còn bị trừ điểm nhiều hơn. Vì trong công việc cái gì không rõ thì phải làm cho rõ rồi mới bắt đầu vào làm. Chứ cứ đoán rồi làm còn mang hậu quả lớn hơn nhiều.
Hãy chuẩn bị sẵn các câu trả lời cho một số câu hỏi sau đây:
- Điểm yếu và điểm mạnh của bản thân
- Định hướng nghề nghiệp trong tương lai
- Môi trường làm việc mong muốn như thế nào?
- Trước khi sang Nhật thì đã làm gì? Nội dung công việc cụ thể
- Vì sao lại chuyển việc?
- Có muốn sống lâu dài ở Nhật không?
- Tại sao lại thích làm công việc này?
- Sang Nhật thấy thích và không thích điều gì?
Đó là những câu hỏi mà Ad nghĩ nếu chuẩn bị trước thì sẽ trả lời tự tin hơn. Vì xác suất bị hỏi là rất cao. Chuẩn bị kỹ trước phỏng vấn là điều cực kỳ quan trọng vì nó đem tới sự tự tin. Mà không có tự tin thì nói tiếng Nhật sẽ thấy vấp ngay.
Kết luận
Bài viết dài nhưng chỉ muốn kết luận lại 1 câu: hãy hành động. Có đọc nhiều, mà không chuẩn bị, không hành động thì cũng không đạt được gì cả. Tìm việc là việc làm khó khăn, tìm việc ở nước ngoài còn khó khăn hơn nữa vì rào cản ngôn ngữ và khác biệt trong văn hóa tuyển dụng. Nhưng cứ tích cực và kiên trì hành động thì sẽ đạt được mục tiêu của mình thôi.
Xin hết và xin hẹn gặp lại trong các bài chia sẻ tiếp theo.